Annavu.net

Life is beautiful

10 quy tắc vàng cùng trẻ vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3

Chắc chắn em bé nào cũng sẽ có những ngày “mưa bão” sau những ngày nắng đẹp rực rỡ 😅 Và Su nhà mình cũng không phải ngoại lệ. Có thể là sáng đang chơi rất ngoan thì tới chiều đã chuyển tông “say no” mọi thứ 😂 hoặc đang chơi rất vui vẻ thì có thể quay ngoắt 180 độ đổi tông gào thét nếu không vừa ý điều gì. Biết là con đang trong giai đoạn “khủng hoảng” để tiếp thu những điều mới nhưng những lúc này lại sẽ khiến ba mẹ hết sức mệt mỏi và đau đầu. Chính vì thế mà mình tự đặt ra 10 quy tắc này để có thể cùng con vượt qua kì khủng hoảng tuổi lên 3, một giai đoạn vàng trong sự phát triển của con, giai đoạn mà bản thân con đang dần ý thức nhiều điều mới mẻ với thế giới xung quanh và cũng là giai đoạn con cần ba mẹ hỗ trợ rất nhiều để có thể vững vàng “đương đầu” mọi thứ 💓

Có thể nằm lăn ra mọi lúc mọi nơi 😅

Mỗi em bé là một cá thể độc lập và có tính cách khác nhau. Vì vậy, cách con tiếp nhận mọi điều mới mẻ cũng sẽ rất khác nhau. Có bé sẽ rất cá tính và hầu hết đều tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, nhưng có bé sẽ rất “mong manh dễ vỡ”, gặp gì mới cũng sẽ trở nên khó khăn trong việc tiếp nhận. Do đó, bài viết này mình chia sẻ dựa trên thực tế của gia đình mình, những quy tắc mình áp dụng thành công với Su, hi vọng có thể giúp các ba mẹ tìm ra được thêm các giải pháp để cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lí một cách vững vàng nhé.

1/ Không bao giờ dùng các từ kiểu “hư hỏng”, “ích kỷ”, “láo” để quát mắng khi trẻ có thái độ chống đối, giật đồ chơi của bạn hay ăn vạ nơi đông người

Một lời nói tưởng chừng vô hại nhưng thực tế sẽ được trẻ ghi nhận và lưu lại bộ nhớ nếu được lặp lại thường xuyên. Vì vậy, bạn nên hạn chế nói ra những lời dễ gây tổn thương trẻ. Khi Su tỏ thái độ chống đối ba mẹ, không muốn nghe theo lời ba mẹ nói, mình rất cố gắng để không nói những lời gây tổn thương con trong cơn tức giận. Những lúc đó mình để con và cả mình có không gian riêng. Cũng là cách mình ghìm lại những câu mắng la và không nói với con những lời đó.

Khi nói ra những lời như thế, có thể trẻ sẽ phản ứng lại bằng cách khóc to hay lăn ra ăn vạ. Lúc này ba mẹ cần bình tĩnh và tuyệt đối ko nên mắng con bằng những lời nói kia. Im lặng cũng chính là cách giúp ba mẹ bình tĩnh hơn và tìm hướng xử lý tốt hơn là những lời mắng chửi nhé. Vì thực ra, trẻ sẽ chưa hiểu hết ý nghĩa của những lời mắng đó đâu. Nhưng con sẽ lưu lại những từ ngữ đó nếu được lặp lại nhiều lần và một ngày “đẹp trời”, trẻ sẽ nói những từ ngữ đó trong một ngữ cảnh khác.

2/ Hạn chế đánh mắng trẻ và tuyệt đối không đánh mắng con trước mặt người khác

Mình luôn có thái độ rất rõ ràng khi con phạm lỗi hoặc biểu hiện ăn vạ, gào thét nơi đông người. Nhưng mình rất rất hạn chế đánh mắng con khi có người khác hoặc chỗ đông người. Ba mẹ sẽ cho con đến một góc khuất đám đông để kiểm tra lí do vì sao con lại như vậy, hoặc im lặng chờ đợi con nín khóc để hỏi nguyên nhân vì sao. Vì việc đánh mắng con trước mặt người khác ko làm giảm đi sự nóng nảy của con, cũng ko giúp giải quyết được vấn đề khiến con hành động như vậy và có thể sẽ khiến con tỏ thái độ mạnh mẽ hơn nữa mang tính chống đối.

Ngoài ra, việc đánh mắng con trước mặt người khác cũng vô hình khiến con dễ bị mặc cảm và thành một thói xấu cho chính bản thân ba mẹ: dùng vũ lực để kìm hãm sự chống đối, mang tính đàn áp người yếu thế. Đây sẽ dễ dàng trở thành 1 thói xấu trong tiềm thức của con và dễ hình thành tính thô bạo về sau.

3/ Thiết lập quy tắc gia đình với hình thức và vị trí phạt trẻ nếu trẻ tỏ thái độ khủng hoảng cấp độ cao như gào khóc, lăn ra ăn vạ

Nhà mình có quy tắc thế này: con ăn vạ thì ba mẹ cứ im lặng chờ con bình tĩnh, thật sự phải rất kiên nhẫn ở đoạn này nhé. Nếu con giành đồ chơi với bạn thì sẽ hỏi rõ : cái này con chơi trước hay là của bạn mà con muốn lấy? Nếu đó là đồ chơi của con đang chơi mà bị bạn giành thì ba mẹ có quyền yêu cầu bạn trả lại đồ chơi cho con. Nếu là đồ chơi của con và bạn mong muốn chơi cùng hoặc mượn chơi, ba mẹ phải luôn hỏi ý kiến của con xem con có đồng ý ko, ba mẹ có thể khuyến khích con chơi cùng bạn. Tuyệt đối không bắt con nhường đồ của mình cho bạn một cách ép buộc.
Nếu con khóc thì sẽ chờ cho nín khóc và hỏi nguyên nhân vì sao con khóc. Và chắc chắn ko bao giớ hứa hẹn kiểu: con nín đi, con ngoan đi, ba mẹ sẽ mua cái này cái kia cho con nhé. Điều này sẽ sớm hình thành cho trẻ 1 ý niệm: cứ khóc gào thật to lên là sẽ được thoả mãn mong muốn.

Nếu bắt buộc phải phạt con, hãy thông báo cho con biết điều đó nếu con vi phạm lỗi. “Ba mẹ sẽ phạt con nếu con thế này nhé”. Khi con vi phạm, hãy nghiêm túc thực hiện hình phạt. Thường thì mình chọn hình phạt úp mặt vào góc tường và giơ tay lên. Mục đích là con sẽ mau bị mỏi tay và bắt buộc phải nín khóc để xin ba mẹ được tha lỗi. Nếu con hạ tay xuống, hãy cảnh báo mức độ phạt cao hơn có thể là bị đánh 1 roi vào mông. Chắc chắn thực hiện nếu con vi phạm. Điều này sẽ giúp trẻ ý thức được rằng: không nên vi phạm những điều ba mẹ đã cảnh báo và ba mẹ sẽ thực hiện biện pháp phạt chứ không hề bỏ qua.

Hình thức phạt mà mình hay áp dụng với Su và lần nào cũng ổn

4/ Giải thích rõ và từ từ cho trẻ biết những hành vi nào là không đúng, vì sao ko nên có những hành vi đó và nêu ra mức kỉ luật nếu trẻ vi phạm lần nữa. 
Ba mẹ đừng bao giờ nghĩ rằng con còn nhỏ quá nên chưa hiểu chuyện. Khi con còn nhỏ, chúng ta hãy lựa chọn những từ ngữ đơn giản để giải thích cho việc làm của con, nói chậm rãi và nhẹ nhàng. Đôi khi bản thân mình còn hỏi ngược lại để dò xem con hiểu ý ko. Ví dụ: con hiểu ý ba/mẹ không? Con thấy làm vậy có đúng ko? Con nghĩ sao về việc này?

Mình rất hạn chế nói những câu mệnh lệnh. Mà thường dùng kiểu câu: “ba/mẹ nghĩ là con nên/ không nên…”. Vừa thể hiện sự tôn trọng con vừa cho thấy thái độ ba mẹ nghiêm túc cho vấn đề gặp phải.

Khi trẻ vi phạm và có những hành vi không đúng, mình sẽ thường cảnh báo “nếu con… thì ba/mẹ sẽ…con có đồng ý không?” Nếu trẻ cương quyết không đồng ý thì ba mẹ sẽ có thể đưa giải pháp “vậy thì con không nên/nên…nhé”

5/ Đánh lạc hướng trẻ với 1 việc khác thú vị hơn việc trẻ đang chống đối không muốn thực hiện một cách tạm thời

Trẻ con rất dễ bị phân tán và mau chóng thay đổi nên ba mẹ có thể áp dụng cách đánh lạc hướng sang 1 đối tượng mới để thu hút sự chú ý của trẻ. Lưu ý không đổi hướng kiểu sẽ mua cho trẻ món đồ chơi mới để thoả hiệp với việc ăn vạ của trẻ nhé. Thường thì nhà mình đổi hướng cho trẻ ngắm nghía sang hướng có nhiều màu sắc, chơi trò chơi để trẻ quên nhanh việc đang ăn vạ.

Mình hay mang theo giấy và viết màu để Su có thể ngồi vẽ

6/ Ôm ấp vỗ về khi trẻ có dấu hiệu chống đối và khóc thét không kiểm soát. Tuyệt đối không hứa hẹn mua đồ chơi hay có sự trao đổi chiều theo mong muốn của trẻ để đổi lấy sự yên lặng

Nhiều lúc chỉ cần 1 cái ôm cũng có thể xoa dịu tình hình, ba mẹ đã từng thử chưa? Khi Su nhà mình khóc lóc gào thét không kiểm soát, mình sẽ cho Su ra một góc để giảm bớt sự căng thẳng cho con, ôm ấp con rồi bảo : “con bình tĩnh nào” rồi vỗ nhẹ lưng con. Một lúc là bạn ấy sẽ giảm dần cơn khóc và nín dần. Sau đó sẽ nhẹ nhàng bảo “con bình tĩnh chưa nào?” “Mẹ nghĩ chuyện này mình có thể…” “mẹ nghĩ con khóc vậy chưa giải quyết được gì cả, mẹ nghĩ con có thể…” “giờ mẹ giúp con nhé…” Đây là những câu mình hay áp dụng để vỗ về Su và lần nào cũng ổn.

7/ Khen thưởng và đánh giá tốt trẻ nếu trẻ có những biểu hiện thực hiện đúng và làm tốt các yêu cầu.

Không chỉ người lớn thích được khen thưởng mà ngay cả trẻ con cũng thế. Cảm giác được đánh giá cao và nhận thưởng rất vui. Chính vì vậy khi con thực hiện tốt những yêu cầu của ba mẹ, ba mẹ đừng tiếc lời khen dành cho con nhé. Đấy cũng sẽ là động lực giúp con tụ tin và ghi nhớ: à đây là việc nên làm, nếu làm tốt thì là em bé ngoan. Ví dụ khi Su bị giành đồ chơi hay Su đòi đồ chơi với bạn, mình sẽ khuyến khích con chơi cùng bạn, nếu con thực hiện điều này tốt, mình sẽ bảo “Su làm vậy rất ngoan”. Hoặc khi con đồng ý không mua món đồ chơi mà con đòi hỏi thì ba mẹ có thể nói “nếu lần sau con ngoan và có dịp đặc biệt, ba mẹ sẽ mua nhé”. Khi con đi tự đi vệ sinh, tự bỏ rác vào thùng, tự dọn dẹp đồ chơi…ba mẹ đừng quên khen động viên con nhé.

8/ Mang theo món đồ chơi ở nhà mà trẻ luôn yêu thích hay món ăn vặt mà trẻ thích để “gạ gẫm” trẻ

Su thường có mấy món đồ chơi thân quen và mình rất hay mang theo mỗi lúc con ra ngoài chơi. Và đôi lúc mấy món đồ đó đã “cứu” mình khi con mè nheo khóc lóc đòi mua đồ chơi mới hay giành đồ chơi với bạn. Ba mẹ có thể áp dụng cách này nhé, mình thấy khá hiệu quả. Thậm chí có thể mang theo món ăn vặt mà con thích nữa, sẽ giúp con mau chóng bình tĩnh và quên mất việc ăn vạ đấy 😁

Một số món đồ chơi mà ba mẹ có thể mang theo cho con ra ngoài chơi
Trò xếp hình cũng là trò dễ thu hút sự chú ý của con

9/ Khuyến khích, động viên trẻ tự giải quyết vấn đề

Mình hay khuyến khích Su tự giải quyết các vấn đề của con trước khi mình giúp con. Đây cũng là cách giúp con điều chỉnh cảm xúc và tự tin hơn. Ví dụ khi con bị bạn giành đồ chơi hoặc con muốn chơi đồ chơi mà bạn đang giữ thì mình hay khuyến khích Su bằng cách “con có thể hỏi bạn chơi cùng con không?” Hoặc “con rủ bạn chơi cùng cho vui đi Su”. Còn khi con bày đồ chơi và chơi xong thì mình hay bảo “Su có thể dọn đồ chơi của con không?” “Con chơi xong thì mình cất đồ chơi đi nhé”

10/ Luôn kiên nhẫn và lắng nghe những tâm sự, những chia sẻ của trẻ, hỏi thăm suy nghĩ của trẻ về những vấn đề trẻ chia sẻ với bố mẹ

Đây là điều mình ưu tiên nhất khi thấy con khóc lóc gào thét. Thường thì mình sẽ cho con ra góc vắng và hỏi lí do vì sao con khóc, con mong muốn điều gì, ba mẹ giúp gì được cho con. Những lúc này con chưa biểu đạt được hết với những câu nói dài thì ba mẹ nên kiên nhẫn nắm bắt ý và hỏi ngược lại để xác nhận vấn đề đúng ko nhé. Chứ đừng quát mắng con khi chưa hề biết lí do mà chỉ mong muốn đàn áp cơn khóc của con nha. Câu mình hay nói với Su nhất những khi con khóc là “Su bình tĩnh nào” “Su đừng khóc nữa nhé, con nói mẹ nghe xem nào” “việc gì làm con khóc vậy” “ Con bình tĩnh và nói mẹ nghe xem nào”. Những điều này sẽ giúp con có sự kết nói với ba mẹ hơn đấy và cũng là điều giúp con sau này dễ chia sẻ với ba mẹ hơn.

Mình mong rằng với 10 quy tắc này, các ba mẹ cũng có thể áp dụng thành công với các con nhé. Giai đoạn con phát triển là giai đoạn con cần ba mẹ hỗ trợ nhiều nhất để giúp con mạnh dạn, tự tin bước vào đời hơn. Chúc các ba mẹ áp dụng thành công 10 quy tắc này nhen.

Hai mẹ con Su chúc các bạn nhỏ sớm vượt qua khủng hoảng tuổi lên 3 như Su nhé 🥰

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *