Annavu.net

Life is beautiful

Bầu bí ăn gì uống gì?

Giai đoạn bầu bí là giai đoạn cơ thể vô cùng nhạy cảm. Từ hồi bầu Su, mình đã trải qua đủ cung bậc vui có buồn có trầm cảm cũng có. Đáng sợ nhất là lúc mình ăn bị dư đạm cao dẫn đến việc bị dị ứng thai kì quá nặng, phải mổ gấp để cứu Su. Đây là điều gây ám ảnh mình đến tận bây giờ. Chưa kể hậu quả ăn uống vô tội vạ khiến mình bị tiểu đường thai kì và tăng 19kg lúc lên bàn đẻ.
Chính vì vậy mà ở lần mang thai thứ 2 này, mình đã tìm hiểu đủ cách để có thể vừa kiểm soát cân nặng, vừa khoẻ mẹ và bé. Hi vọng những chia sẻ liên quan đến ăn uống trong bài viết này sẽ giúp các mẹ bầu thật mạnh khoẻ trong giai đoạn bầu bí mà vẫn rạng rỡ đẹp xinh nhé 💓

Mang thai bước sang tháng thứ 7 nhưng mình chỉ tăng 4kg

Vấn đề của các mẹ bầu là thường dễ bị táo bón nên mẹ Su khắc phục bằng cách uống các loại sữa hạt và các loại rau xanh. Vì bầu bí nên mẹ cháu cũng hạn chế uống nước ép, vừa dễ nạp lượng đường nhiều, vừa dễ lạnh bụng. Mẹ cháu chuyển qua uống các loại sữa hạt. Sữa hạt kiểu mẹ Su làm là ko bỏ tí tẹo sữa tươi hay sữa đặc nào, chỉ có thành phần: nước, hạt/củ, ít muối hồng (tí tẹo thôi ạ). Mẹ nào thích vị ngọt thì có thể thêm ít đường thốt nốt hoặc đường phèn nâu nhé.
Sữa khoai lang kích thích nhuận tràng, ngăn ngừa thiếu hụt vitamin A, đặc biệt giảm thiểu sự xuất hiện của tình trạng kháng insulin (giúp điều chỉnh lượng đường trong máu), giảm thiểu khả năng bị tiểu đường thai kì (lại chủ để mà mẹ Su rất quan tâm). Và hơn hết là nó giúp kiểm soát cân nặng ngay cả lúc mang thai. Đây cũng chính là một trong các bí quyết mà mẹ Su áp dụng thấy thành công trong lần mang thai này ạ, bước sang tháng thứ 7 vẫn ổn định số kí chứ ko tăng vù vù như tập 1 😁 khoai lang thì mẹ Su hay cho vào các bữa ăn phụ để tránh bị đói và kiểm soát cân nặng rất hiệu quả.

Sữa khoai lang

Hoặc các mẹ có thể biến tấu thêm nhiều loại sữa hạt khác nhau nhé. Chỉ cần tậu chiếc máy xay nấu đa năng thì chả sợ vất vả 😆 riêng đậu nành thì mình hay lựa mua loại hạt không biến đổi gien nha.

Sữa đậu nành mình nấu bằng máy xay nấu đa năng nên rất tiện và nhanh

Nếu chán sữa hạt thì các mẹ có thể nấu chè đậu các loại nhé. Lưu ý chè thanh ngọt nhẹ thôi, thường mình sẽ dùng đường thốt nốt hoặc đường phèn nâu để nấu cùng, nhưnh cũng chỉ cho ít thôi chứ ko để quá ngọt. Chè đậu mà mình hay nấu như: đậu đỏ, hạt sen, đậu xanh, đậu trắng…ăn vừa mát vừa giải nhiệt, lại đầy đủ các chất bổ sung cho mẹ bầu nhé.

Đến giai đoạn thai kì thứ 6, các mẹ bầu có thể bổ sung thêm nước dừa để tăng lượng nước ối và nghe ông bà bảo rằng uống nước dừa giúp em bé trắng trẻo hơn 😋 mà thực sự nước dừa quá hấp dẫn với các mẹ bầu đúng ko nè 💓

Ly nước dừa dứa mát lạnh cũng giúp mẹ bầu giải nhiệt lắm nhé

Ngoài ra mình còn hay hấp hoặc nướng khoai lang để ăn trong các bữa phụ nữa. Thực sự nó hỗ trợ vấn đề nhuận tràng rất tốt, chống đói mà kiểm soát được lượng đường và cân nặng.

Khoai lang mình hấp kiểu không nước để nó ráo và ko bị quá mềm. Tại mình thích ăn thế ☺️

Từ ngày khám phá thế giới gạo lứt thì mẹ cháu lại thêm nhiều món hơn, đỡ phải ăn mãi cơm gạo lứt. Sợi hủ tiếu gạo lứt này dai ngon lắm ạ nên mình xào vẫn được nhé các mẹ. Bí kíp xào ko bị nát là hãy trụng sợi hủ tiếu qua nước lạnh sau khi đã luộc sợi nhé. Sau đó chia ra rau cải ngọt, cà rốt luộc riêng, đậu xào riêng rồi trộn chung kèm gia vị nhé.

Gạo lứt rất tốt cho cả mẹ bầu vì nó giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu. Đặc biệt là giảm nguy cơ tiểu đường (điều mà mẹ bầu rất quan tâm kể cả vấn đề tiểu đường thai kì). Nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kì thì càng nên chuyển qua ăn gạo lứt để tránh tình trạng tăng đường huyết nhé. Và chắc có lẽ ai bắt đầu thực hiện chế độ giảm cân cũng bắt đầu chuyển qua chế độ ăn gạo lứt. Nhưng các mẹ chú ý là ăn gạo lứt giúp no lâu, giảm cảm giác đói chứ ko phải ăn gạo lứt là sẽ giảm cân vì giảm lượng tinh bột nha. 1 chén gạo lứt vẫn gần bằng 1 chén cơm thường đó ạ 🤪 nên nhiều người ko biết, chuyển qua ăn gạo lứt vẫn tự tin ăn hẳn vài bát thì đừng bảo sao cân nặng lại vẫn tăng đều nhé 😂

Hủ tiếu gạo lứt xào thập cẩm
Bún gạo lứt heo quay 😋
Bún gạo lứt chả cá rô phi
Bún gạo lứt cà ri gà phiên bản ko nước dừa, ko cốt dừa, ko sữa tươi nên đảm bảo dinh dưỡng mà ko sợ béo 😋

Lần đầu nhập môn slow cook mà mẹ bầu được hưởng nước dùng vừa trong veo vừa đậm đà. Sau khi thử slow cook thì bị nghiện luôn vì thịt, rau củ vẫn nguyên vẹn, ko như kiểu ninh thường hay kiểu nát nhừ của nồi áp suất. Nước dùng ăn với hủ tíu gạo lứt, vậy là đủ dinh dưỡng buổi tối cho mẹ bầu 😋 các mẹ cứ mua nguyên liệu sườn ngon, hầm chung với củ sen, hạt sen tươi, cà rốt như này theo kiểu slow cook, vừa giữ được nguyên vẹn nguyên liệu, vừa đảm bảo dinh dưỡng nhé.

Hủ tiếu nước hầm sườn,củ sen tươi và hạt sen tươi

Sự kết hợp giữa cà nướng với cơm gạo lứt ngon hơn kì vọng 😋 chén canh bí đỏ nấu cùng hạt sen và đậu phộng siêu bổ dưỡng cho mẹ bầu. Nếu thỉnh thoảng ngán thịt thì các mẹ bầu có thể thử kiểu này nhé 😉

Cơm gạo lứt ăn kèm cà tím nướng rất ngon
Món canh siêu bổ dưỡng cho mẹ bầu

Bơ gần như ko thể thiếu mỗi ngày, rất tốt cho mẹ bầu nhé. Đặc biệt là giảm nguy cơ tiểu đường thai kì, đây là điều mình quan tâm nhất vì hồi bầu Su mình đã từng bị và lãnh hậu quả khá nghiêm trọng. Nên ở tập 2 này, mình ăn bơ mỗi ngày : điểm tâm trong tuần, ăn ở các bữa phụ. Ngoài ra, ăn bơ còn giúp cung cấp các chất béo lành mạnh tốt cho tim mạch và cải thiện chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu lắm nha. Điều này chính bản thân mình kiểm chứng luôn 😁 Quan trọng hơn nữa là trong quả bơ có chứa chất folate, một chất đóng vai trò nền tảng trong việc ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi nha.

Bánh mì nguyên cám ngũ cốc ăn kèm bơ tươi và trứng
Hoặc món bơ dằm bỏ chút xíu đường nâu hay ko ăn đường vẫn rất ngon 💓

Miến dong mọc bò ăn kèm tí măng kiểu bắc. Cả nhà thử cho ít nấm rơm sẽ có vị ngọt nhẹ rất ngon và bắt miệng. Ăn miến vừa ít đường vừa ko sợ tăng cân nhen các mẹ bầu 😋 món này ăn sáng vừa ngon vừa dinh dưỡng vì nước hầm từ gà 💓

Ở những bữa phụ, mình thường ăn vài miếng khoai hấp kèm 1 ly sữa tươi không đường tầm 150ml hoặc 1 ly nước cam. Đôi khi là 1/2 trái bơ và 1/2 quả táo. Thỉnh thoảng cảm giác đường thấp thì có thể ăn vài bánh biscotti, hoặc bánh cookie yến mạch, hoặc 1 lát bánh mì đen ngũ cốc quết tí bơ. Nói chung là bữa phụ sẽ sau bữa chính 2-3h nhé. Và nhớ là bữa phụ nên chỉ ăn vừa đủ, ko quá no nha.

Ít khoai lang hấp ở bữa phụ

Các mẹ có biết là lượng đường từ bún sẽ ít hơn rất nhiều từ cơm trắng, bánh mì trắng ko? Chính vì vậy mà nếu mẹ nào có nguy cơ bị tiểu đường thai kì hay đang bị luôn thì nên đưa món bún các loại vào thực đơn hàng ngày nhé, vừa dễ ăn vừa giảm được lượng đường hấp thụ. Nhưng lưu ý là ăn bún xong nhớ ăn kèm thêm 1 hũ sữa chua ko đường hoặc 1/2 trái táo hoặc bơ nha. Sau đó 1h thì thêm 1 ly sữa tươi ko đường 😋 đảm bảo ko tăng cân mà em bé luôn luôn đủ dinh dưỡng 😌

Bát bún cá cho bữa sáng rất đủ dinh dưỡng mà ko sợ tăng cân hay ảnh hưởng tới chỉ số đường huyết

Thỉnh thoảng đổi món thì các mẹ có thể làm đĩa gỏi bưởi nhé. Gỏi này siêu dễ làm mà mẹ bầu ăn cũng ngon miệng. Bưởi cũng thuộc tuýp trái cây có chỉ số đường rất thấp nên khuyến khích mẹ bầu bị tiểu đường thai kì ăn thường xuyên nhé. Mà bầu bí ăn bưởi cũng tốt nhé ạ. Bưởi giúp giảm cholesterol trong máu, giảm mất ngủ, trị táo bón, hạn chế tăng cân, giảm thiểu nguy cơ thiếu máu và ngăn ngừa tiền sản giật. Đặc biệt là mẹ nào hay bị nghén thì có thể thử ăn bưởi nhé, đỡ nghén lắm ạ. Mỗi ngày mẹ bầu có thể ăn tầm 150gr bưởi nhé.

Bữa ăn chỉ cần như này là đủ chất và ko sợ tăng cân

Mẹ bầu có ăn được sữa chua không?
Hoàn toàn có thể và ăn tốt luôn nhé. Đặc biệt là nên ăn sữa chua không đường. Với 100gr sữa chua không đường thì chỉ số đường huyết của nó còn thấp hơn cả chén cơm đó ạ. Bên cạnh đó ăn sữa chua cũng tốt cho hệ tiêu hoá của các mẹ, bổ sung canxi cho cả mẹ và em bé luôn. Theo như mình tìm hiểu thì mẹ bầu có thể ăn 200gr sữa chua mỗi ngày. Và thật sự nó còn giúp tiêu hoá tốt, đỡ bị táo bón, ợ chua đấy các mẹ. Sữa chua nên được ăn sau bữa ăn nhé, đặc biệt là nên ăn sữa chua không đường để giảm thiểu lượng đường nha. Cá nhân mình sau khi ăn đủ loại sữa chua thì mình thích sữa chua ko đường của Dalatmilk, vị dễ chịu và ăn rất ngon miệng ☺️ mình hay mua hộp 500gr để ăn cho tiện. Lưu ý là các mẹ nhớ check kĩ hạn sử dụng nha, các loại sữa chua vị tự nhiên và thanh trùng hay ngắn hạn lắm ạ.

Một số điều cần lưu ý trong quá trình mang thai:

  • Bữa ăn nên chia thành các bữa nhỏ, mẹ bầu ko nên ăn quá no trong 1 bữa nhé. Vì vậy nên chuẩn bị một vài bữa nhỏ để ăn ko bị đói. Các bữa ăn này thường là khoai lang, bơ, bánh ngũ cốc, cốc sữa hạt và rất rất nhiều rau.
  • Mình thường ăn điểm tâm khá kĩ bao gồm cả 1 cốc sữa hạt. Còn buổi tối mình giảm hẳn tinh bột và ko uống sữa hạt buổi tối. Mình kết thúc buổi tối thường trước 19h30.
  • Hạn chế tối đa việc ăn đồ ngọt. Đây cũng chính là thủ phạm dễ gây mất kiểm soát cân nặng. Lúc bầu Su, mình thường xuyên uống trà sữa, ăn bánh ngọt, hậu quả là tăng cân mất kiểm soát luôn. Khi bầu lần 2, mình cắt giảm lượng đường một cách tối đa, ko uống trà sữa, ko ăn bánh kẹo ngọt, ko ăn các loại bánh mì ngọt.
  • Mình cũng hạn chế ăn mặn và dầu mỡ nên hầu hết các bữa ăn của mình ko quá nhiều gia vị.
  • Mình khuyên các mẹ bầu nên chuyển hẳn sang ăn cơm gạo lứt, nó giúp no lâu, giảm cảm giác đói, cung cấp đường tốt hơn loại gạo thường. Điều này sẽ rất có ích cho các mẹ bầu bị tiểu đường thai kì nhé
  • Mình vẫn ăn trái cây, uống nước cam, sau 7 tháng thì mình uống thêm nước dừa. Riêng trái cây mình khuyên nên ăn thô chứ ko ép lấy nước nhé vì lượng đường trong trái cây khá lớn nên dễ bị dư đường ạ. Và ăn thô thì sẽ bổ sung chất xơ tự nhiên cho các mẹ 💓
  • Hãy cố ăn thật nhiều rau xanh trong mọi bữa ăn, ăn bơ mỗi ngày, bữa phụ có sự xuất hiện của khoai lang(khoai hấp, sữa khoai lang) và mỗi ngày từ 2-3 hộp sữa chua không đường thì mẹ bầu sẽ giảm thiểu tình trạng bị táo bón rất rất nhiều nhé. Và đừng quên uống 2l nước mỗi ngày. Điều này sẽ giúp cân bằng chỉ số đường huyết rất tốt.
Ví dụ thực đơn 1 ngày của mình

Hi vọng những chia sẻ của mình có thể giúp các mẹ bầu có một quá trình thai kì khoẻ mạnh, đẹp dáng đẹp da nhé 💓

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *